Vũ khí bí mật dành cho khởi nghiệp

Vũ khí bí mật dành cho khởi nghiệp

Nội dung chính

Khởi nghiệp

vũ khí bí mật chưa chắc dẫn bạn đến việc khởi nghiệp thành công, nhưng ít nhất nó cũng gợi mở cho bạn những hướng đi, những đường tắt để đến thành công. Hôm nay mình sẽ bật mí đến các bạn một số vũ khí công nghệ mà mình thấy rất lợi hại cho việc khởi nghiệp, nhất là ở lĩnh vực web và mobile. Ý tưởng giống nhau nhưng được thực hiện bởi những người khác nhau sẽ có cách làm khác nhau và sẽ có những thành công lớn nhỏ khác nhau.

Các vũ khí này, bạn không cần phải học quá nhiều, mà chỉ cần nhấc lên mà dùng thôi!

1. Prediction IO: hệ thống máy học

Website: Prediction.io

Có lẽ nếu bạn tìm những cụm từ như “Machine learning open source” thì Prediction.io luôn nằm top đầu. Vậy nhưng kết quả có thứ hạng tương đương “11 open source tools machine learning” thì lại không có Prediction.io trong này. Vậy là sao nhỉ?

Theo mình thì bài viết đó có thiếu sót rất lớn khi bỏ qua Prediction.io! Bài viết đó có cách đây 1 năm nhưng Prediction.io đã có cách đây 3 năm và đã có những tính năng rất hay từ trước. Hiện nay công nghệ của Prediction.io cũng đã đạt 8000 stars trên Github rồi, số lượng cài đặt không được tính.

Với những sản phẩm “khởi nghiệp“, điều tạo ra sự khác biệt đó là tính “thông minh” của sản phẩm. Bằng cách này hay cách khác, nhưng với Prediction.io thì đó là 1 cách đơn giản và hiệu quả! Bạn có thể tạo ra các sản phẩm có các tính năng như:

  • Khuyến nghị sản phẩm (món hàng, bài viết, …) cùng loại, sản phẩm mà hệ thống “nghĩ” người dùng sẽ thích: được dùng như AppStore hay PlayStore, hoặc các trang thương mại điện tử Amazon, eBay…
  • Gây quỹ cộng đồng (Crowdfunding): bản chất hình thức thì giống trường hợp trên. Dùng để kết hợp giữa Dự án và người đầu tư một cách có hiệu quả và chính xác nhất.

2. Hệ thống tìm kiếm: Apache Lucence Solr hoặc ElasticSearch

Website: Apache Lucense Solr hoặc Elastic Search

Mình không đi sâu vào việc so sánh của 2 công cụ ở bài này, vì đã có ở đây so sánh rất trực quan rồi. Điều mình muốn nói là các sản phẩm khởi nghiệp, muốn thành công đều nên áp dụng 1 trong 2 sản phẩm này, hoặc 1 sản phẩm nào khác là một hệ thống tìm kiếm nội bộ. Tất nhiên là không vơ đũa cả nắm khi nói tất cả dự án đều sử dụng hệ thống tìm kiếm, nhưng nếu là dự án có cơ sở dữ liệu mà không có hệ thống tìm kiếm cho mục đích phục vụ người dùng hay phục vụ quản trị thì cũng hơi thiếu thiếu!

Hai hệ thống này không dừng lại ở việc tìm kiếm trong cơ sở dữ liệu của bạn mà còn sử dụng để tìm kiếm theo luồng dữ liệu từ hệ thống khác.

Với nhu cầu realtime thì bạn nên cân nhắc dùng Elastic Search, ví dụ:

  • Dùng API của Twitter tìm các tweet trong thành phố Hà Nội theo từ khóa XYZ nào đó, kết hợp các luồng này lại và tìm kiếm lọc nội dung thêm lần mới đưa vào database. Việc tìm kiếm số lượng lớn từ khóa dẫn đến sự phân tích, thống kê trực tuyến dữ liệu này giúp cho bạn có cơ hội nắm bắt xu hướng rất thời sự.
  • Dùng để quản lý log: việc hệ thống website lớn với dữ liệu log liên tục, việc phát hiện các vấn đề sớm hết sức quan trọng như lỗi website hay bị tấn công DDOS. Vì log được ghi theo stream, nên việc tìm kiếm realtime là điều tất yếu.
  • Hệ thống bảng giá chứng khoán: với dữ liệu giá liên tục, việc phát hiện nhanh chóng dấu hiệu “làm giá” dành cho việc quản lý, hay phát hiện xu hướng giá dành cho nhà đầu tư giá có giá trị cực kỳ quan trọng. Rất tiếc là mình không còn làm trong ngành này khi biết đến Elastic Search.

Với Lucence Solr thì có lẽ hơi yếu thế hơn 1 chút ở mảng realtime khi nhìn vào các ví dụ trên, nhưng đó chỉ là sự giới hạn của cá nhân mình. Còn bạn có thể tận dụng sức mạnh của các hệ thống này kết hợp với ý tưởng của riêng mình để làm ra sản phẩm tốt nhé.

3. Glide: hệ thống xử lý ảnh trên mây

Website: Glide

Những bạn đã dùng PHP chắc đã từng sử dụng thư viện Timthumb, không quá mạnh mẽ nhưng cũng đủ xài cho Resize, Crop, Filter. Tuy nhiên, Timthumb đã ngừng phát triển từ lâu và việc so sánh Timbthumb và Glide mặc dù là giống về mục đích nhưng khá khập khiễng. Glide được so sánh với Cloudinary hay Imgix, những hệ thống quản lý hình ảnh trên mây.

Với Glide, bạn hoàn toàn có thể sử dụng như một thư viện tích hợp trong dự án, hoặc dùng nó như một server riêng phục vụ hình ảnh thông qua HTTP. Do Glide dùng thư viện GD hoặc ImageMagick nên bạn không cần phải sử dụng thư viện để xử lý hình ảnh nữa.

Ví dụ, xem hình sau:

https://glide.herokuapp.com/1.0/kayaks.jpg?w=600&gam=.9&sharp=8

Thêm tí blur:

https://glide.herokuapp.com/1.0/kayaks.jpg?w=600&gam=.9&sharp=8&blur=20

Hay là filter trắng đen:

https://glide.herokuapp.com/1.0/kayaks.jpg?w=600&gam=.9&sharp=8&filt=sepia

Hoặc đóng dấu bản quyền:

https://glide.herokuapp.com/1.0/kayaks.jpg?w=500&mark=billabong.png&markw=30w&markpad=3w&markpos=top-right

Đánh giá: Glide phù hợp cho bất cứ dự án nào có sử dụng hình ảnh. Có rất nhiều website không quan tâm đến việc hình ảnh, nên hình ảnh trên website méo mó, hoặc ảnh bị cắt đầu, không đúng trọng tâm dẫn đến việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao diện website. Cho dù website đầu tư vào design nhiều như thế nào đi nữa nhưng hình ảnh trên website không đẹp thì cũng giảm sức hút khá nhiều. Bạn có thể kết hợp thêm với SmartCrop (Github ~8000 stars) để có ảnh crop thông minh  nên rất đẹp!

4. Nhận dạng khuôn mặt

Có lẽ công nghệ nhận dạng khuôn mặt đã trở nên phổ biến trên nhiều sản phẩm, hoặc cũng đã có nhiều thư viện hỗ trợ. Nhưng với ứng dụng “Đoán tuổi của Microsoft” nổi lên như cồn trong năm 2015 thì rõ ràng độ nóng của tính năng nhận dạng khuôn mặt vẫn rất cao.

Nếu bạn khởi nghiệp trong lĩnh vực liên quan đến hình ảnh, sẽ rất cần sử dụng những tính năng này. Tuy có nhiều thư viện, nhưng đa phần đều có giới hạn vì chỉ nhận dạng được khuôn mặt :(. Mình giới thiệu dịch vụ Face++, được cấp phép sử dụng miễn phí qua API, có những tính năng hay như: xác định nam, nữ, độ tuổi, màu da, thuộc gốc châu lục nào, có mang kính hay không, độ nghiêng của khuôn mặt, có cười hay không…Rất tuyệt phải không nào? Hơn nữa, do việc dùng REST API, nên việc cài đặt sử dụng cho sản phẩm của bạn rất dễ dàng!

Ngoài ra, bạn có thể tìm hiểu thêm tại Facedetect/Software. Với mình thì mình sẽ dùng Face++: nhiều tính năng, miễn phí, sẽ sử dụng, vậy là quá đủ.

5. Tự động hóa ở browser

Tự động hóa ở browser là 1 cách để bạn crawl dữ liệu được lấy bằng 1 loạt các bước phức tạp. Thông thường, sẽ khá là dễ dàng khi lấy dữ liệu của những trang công khai, hoặc có sẵn API. Tuy nhiên nếu bạn đụng phải những trang web có cách lấy nội dung phức tạp, hãy sử dụng Nightmare (6000 stars trên Github).

NightmareJs là một thư viện tự động hóa ở tầng Browser, có nghĩa là thao tác như 1 người bình thường sử dụng trình duyệt web. NightmareJs sử dụng Electron để thực hiện các thao tác ở browser, nó không quá khác so với việc sử dụng PhantomJs hoặc dùng Selenium (là hệ thống test tự động) nhưng đơn giản hơn rất nhiều, đặc biệt là khi sử dụng Daydream, sẽ khi lại thao tác của bạn từ trình duyệt và xuất ra thành code javascript để dùng cho NightmareJs. Usecase cho tự động hóa thì chắc cũng nhiều, cứ cái gì bạn nghĩ đến mà nó bao gồm nhiều thao tác, phải làm đi làm lại, thì khi đó cần đến thôi.

6. Các tài nguyên khác selfhosted

Có nhiều dịch vụ phục vụ cho khởi nghiệp mà bạn có thể cài đặt và điều chỉnh theo nhu cầu sử dụng của mình:

Github: Awesome SelfHosted

Các dịch vụ, công nghệ được liệt kê trong danh sách trên được sử dụng cho mục đích hỗ trợ (Mail, IRC, Analytics…) hoặc nền tảng để tạo sản phẩm (Blogging Platform, Social Network & Forums Platform, CMS, Ecommerce…).

Kết:

Như đã nói ở đầu bài, việc có ý tưởng và bắt tay xây dựng ý tưởng đều phụ thuộc cách bạn làm như thế nào. Mình đã giới thiệu một vài vũ khí mà theo mình là cần có trong các sản phẩm thời nay, việc kết hợp như thế nào đó là một sự tinh túy của riêng bạn.

Hi vọng qua bài viết này sẽ giúp cho bạn tìm ra một vài ý tưởng mới, và hãy bắt tay vào làm việc ngay cho dự án khởi nghiệp thôi. Nếu bạn có công cụ nào hay, mình cũng rất muốn biết để mở rộng kiến thức, hãy chia sẽ cùng mình và mọi người nhé.

Đón đọc các bài viết sắp tới tại Lịch xuất bản.

Read more